Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tiêu chuẩn nào cho camera Make in Vietnam?” do báo VietNamNet tổ chức mới đây, ông Khương Duy, Giám đốc Trung tâm Camera của Viettel High Tech bày tỏ mong muốn cung cấp sản phẩm đảm bảo an ninh, an toàn cho khách hàng với sản phẩm Make in Vietnam by Viettel.
Theo ông Khương Duy, thị trường camera giám sát ở Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn (tăng trưởng kép CARG xấp xỉ 20%); tỷ lệ thâm nhập camera ở Việt Nam hiện ở khoảng 30 camera/1.000 dân. Nếu so với Trung Quốc, Mỹ thì tỷ lệ ở Việt Nam mới chỉ bằng 1/5. Dự kiến đến năm 2025 Việt Nam ước tính có khoảng 15 triệu camera. Có thể thấy với tiềm năng tăng trưởng lớn của thị trường Việt Nam trong khi đó 90% thị phần là các sản phẩm Trung Quốc với rất nhiều sản phẩm trôi nổi, không đảm bảo an toàn bảo mật thì các nhà mạng với lợi thế tập khách hàng lớn đang sử dụng dịch vụ có rất nhiều lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng để đưa các sản phẩm ra thị trường. Viettel High Tech tham gia thị trường camera với định hướng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đa dạng và toàn diện cho tập khách hàng hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ FTTH.
Ông Duy cũng nhấn mạnh rằng, các sản phẩm camera AI của Viettel High Tech có hệ thống quản lý và lưu trữ tại Viettel, các tính năng thông minh do người Việt nghiên cứu phát triển và làm chủ. Việc các nhà mạng tham gia sản xuất camera AI sẽ mang nhiều lợi ích cho người dùng khi lựa chọn sản phẩm; yên tâm về bảo mật thông tin cá nhân với chi phí tối ưu và được sử dụng kèm theo với các dịch vụ viễn thông khác. Viettel High Tech không tập trung cuộc chiến về giá, giá trị mang lại không chỉ là bản thân sản phẩm camera mà là cả một giải pháp, nền tảng, hệ sinh thái nhằm mục đích mang đến nhiều giá trị gia tăng cho người dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp tập trung vào tính năng an toàn cho người dùng cá nhân, bảo mật an toàn trong xây dựng giao thông thông minh, đô thị thông minh, phục vụ cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc MobiFone Global cho hay, đối với doanh nghiệp viễn thông, camera giờ không phải như ngày xưa, kết nối cáp đồng trục và mỗi hộ phải có một đầu thu, giờ là camera IP kết nối Internet. Hiện nay dịch vụ camera gần giống như một dịch vụ viễn thông. Do cần phải có kết nối đường truyền kết nối, lưu trữ trên cloud,... đây là thế mạnh của các nhà mạng. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ không có được sự kết nối với các nhà mạng như các doanh nghiệp sản xuất camera trong nước.
Chia sẻ về mục tiêu cạnh tranh trên thị trường camera trong nước, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology cho rằng, cũng như các sản phẩm nói chung và sản phẩm công nghệ nói riêng, việc cạnh tranh phần lớn phụ thuộc vào giá, chất lượng và dịch vụ. Từ vài năm gần đây, IP camera trở nên phổ biến với rất nhiều chủng loại, chất lượng, nguồn gốc khác nhau. Sau một thời gian sử dụng, người dùng đã nhận biết và quan tâm nhiều hơn tới chất lượng và đặc biệt là tính an toàn tin cậy của camera giám sát. Do vậy, sản phẩm của VNPT Technology hướng tới tiêu chí đảm bảo chất lượng, tính năng phù hợp nhiều phân khúc người dùng, và đặc biệt là có độ tin cậy về an toàn bảo mật thông tin, dữ liệu cho người dùng. Đồng thời, được kết nối hỗ trợ kỹ thuật tập trung ngay trong nước, kịp thời cập nhật và cảnh báo khi có nguy cơ, lỗ hổng an ninh.
Theo ông Nguyễn Việt Bằng, ngoài việc cung cấp đơn lẻ, sản phẩm có thể được cung cấp qua hệ thống kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật của VNPT trên khắp 63 tỉnh thành, tới tận xã phường theo gói dịch vụ, nhờ đó tận dụng được nhiều tính năng tích hợp của nhà mạng cũng cấp đường truyền internet (ví dụ xử lý AI trên điện toán biên AI box, điện toán đám mây…), đảm bảo dịch vụ toàn trình.
Đại diện các nhà mạng đều chung nhận định rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển cung cấp camera Make in Vietnam, theo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp và dần lấy lại thị phần trên sân nhà.
Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn